Chủ quan với bệnh mạch vành, người đàn ông nhồi máu cơ tim

27/02/2025
|
0 lượt xem
Bệnh Người Lớn Các Bệnh Sức Khỏe Tim Mạch
Chủ quan với bệnh mạch vành, người đàn ông nhồi máu cơ tim

Ông Cảnh hút gần một gói thuốc lá mỗi ngày, bị tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh mạch vành, từng đặt stent động mạch liên thất trước cách đây 8 năm. Sau điều trị ông chỉ tái khám ba lần, uống thuốc theo toa vài tháng rồi tự ngưng vì "cảm thấy khỏe".

Trước nhập viện hai ngày, ông ho khan, khó thở, mệt nhiều, nghĩ do cảm lạnh thông thường nên tự mua thuốc uống. Triệu chứng tăng nặng kèm những cơn đau thắt ngực dồn dập, ông đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cấp cứu. Ngày 27/2, ThS.BS Phạm Hoàng Trọng Hiếu, Trung tâm Tim mạch Can thiệp, cho biết bệnh nhân có dấu hiệu điển hình của hội chứng vành cấp (tình trạng hẹp nặng mạch máu tim gây tổn thương cơ tim do thiếu máu nuôi), nhánh mạch vành phải hẹp 95-99%. Nếu không can thiệp ngay để tái thông, nguy cơ mạch máu này tắc hoàn toàn rất cao.

Êkíp đặt stent vào đoạn mạch hẹp để khơi thông dòng máu nuôi tim. Sau 30 phút lòng mạch được mở rộng, ông hết khó thở, giảm đau ngực, xuất viện hôm sau.

GS.TS.BS Võ Thành Nhân, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho hay ông Cảnh có các yếu tố nguy cơ gây bệnh mạch vành (tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá), từng đặt stent. "Không tái khám bệnh, tiếp tục hút thuốc lá có thể khiến lòng mạch tái hẹp dẫn đến nhồi máu cơ tim", GS Nhân nói, thêm rằng rất may ông được can thiệp kịp thời khi bệnh mới khởi phát, tránh biến chứng nguy hiểm.

GS.TS.BS Võ Thành Nhân (ngoài cùng bên phải) cùng êkíp đang đặt stent cho người bệnh. Ảnh: Vũ Huyền

Ông Cảnh là một trong nhiều Việt kiều về nước khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Theo PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, hai tháng đầu năm có hơn 4.000 Việt kiều và người nước ngoài khám sức khỏe tại hệ thống của bệnh viện, với 40% bệnh nhân đến từ Mỹ, còn lại là các nước Canada, Anh, Pháp, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Trong đó phần lớn là người cao tuổi, thuộc nhóm nguy cơ mắc bệnh tim mạch do tim và các mạch máu bị suy yếu theo thời gian. Các bệnh lý nền như đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì cũng thường gặp ở người cao tuổi, làm tăng khả năng mắc bệnh tim.

Người bệnh có thể được khám lâm sàng với bác sĩ, đo điện tim, chụp X-quang ngực, siêu âm tim hoặc thực hiện các cận lâm sàng chuyên sâu như chụp MSCT mạch vành, chụp MRI tim, gắn máy theo dõi nhịp tim Holter ECG... Nếu cần can thiệp hoặc phẫu thuật tim, chi phí khoảng 100-200 triệu đồng, bằng 1/3 so với các nước trong khu vực, theo PGS Vinh. Bệnh viện còn lưu trữ bệnh án điện tử, hỗ trợ dịch thuật hồ sơ bệnh án để thuận tiện cho bác sĩ ở nước sở tại tham khảo sau này.

Bác sĩ siêu âm tim gắng sức cho người bệnh tại Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7. Ảnh minh họa: Đình Lâm

Các bác sĩ khuyến cáo người cao tuổi, có tiền sử tăng huyết áp, mỡ máu cao (rối loạn lipid máu), hút thuốc lá, thừa cân hoặc béo phì, đái tháo đường, suy giãn tĩnh mạch, tiền sử gia đình mắc bệnh tim... nên tầm soát bệnh tim mạch mỗi 6-12 tháng. Ăn uống khoa học, tập thể dục tối thiểu 20 phút mỗi ngày hoặc 150 phút mỗi tuần, không hút thuốc, duy trì cân nặng hợp lý, ngủ đủ giấc giúp kiểm soát tình trạng bệnh. Theo dõi sức khỏe tại nhà, uống thuốc đều đặn, tái khám định kỳ nhằm ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.

Thu Hà

*Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật